Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng xem những bộ phim của hãng Disney, từ hoạt hình như Snow White, Cinderella, Alice in Wonderland, Mickey Mouse, Tom & Jerry… cho đến phim ảnh như Nhật ký Công chúa, Hannah Montana… Không chỉ kể đến nghệ thuật thứ 7, Công viên giải trí Disneyland cũng là một thương hiệu nổi tiếng không kém, mỗi năm đón tiếp đến hàng triệu lượt ghé thăm.
Walt Disney là tập đoàn truyền thông đa quốc gia với tổng giá trị tài sản khổng lồ. Thương hiệu này gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu người, thậm chí là hàng tỷ người. Có thể xem là thương hiệu nổi tiếng nhất lịch sử thế giới.
Và tất cả chỉ bắt đầu bởi một người đàn ông.
Disney không xuất thân từ gia đình giàu có, thậm chí còn có thể xem là khá khó khăn trong thời điểm đó. Vậy mà ông có thể tạo dựng nên gia tài khổng lồ, không chỉ về tiền bạc mà còn là giá trị tinh thần xuyên suốt nhiều thế hệ. Không hề nói quá khi nói rằng Walt Disney là người đàn ông đã thay đổi thế giới bằng chính bản thân mình!
Những gì mà Walt Disney trải qua và đúc kết lại chắc chắn là những bài học vô cùng quý giá cho những ai muốn khởi nghiệp.
1. Bạn phải là một người bán hàng
Mọi người thường muốn tránh nghề bán hàng nhưng sự thật bán hàng là kỹ năng quan trọng nhất mà bạn hoàn toàn có thể chinh phục.
“Snow White” là một ví dụ. Khi phim đang trong quá trình sản xuất thì Disney đã gần như không còn vốn. Nhiều người cho rằng đây là một dự án điên rồ, thậm chí chính gia đình ông cũng mong muốn ông từ bỏ, nhưng Disney không hề nao núng.
Ông đã liên hệ và trực tiếp gặp gỡ các nhà sản xuất khác, thuyết phục họ đầu tư tiền vào bộ phim này. Như chúng ta đã biết, “Snow White” trở thành bộ phim rất ăn khách ngay sau đó và đánh dấu cho thời đại vàng của phim hoạt hình.
2. Người lãnh đạo phải tập trung, sáng tạo và khơi nguồn cảm hứng
Bí quyết lãnh đạo của Walt Disney là những câu chuyện dí dỏm, hài hước. Thông qua đó, ông hướng cho nhân viên biết cần làm gì. Ông truyền cảm hứng cho nhân viên của mình, chứ không phải chỉ biết giao việc cho họ.
Khi sản xuất bộ phim Snow White, Walt đọc thuộc hết toàn bộ câu chuyện, hành động như các nhân vật, thậm chí bắt chước cả giọng và cách di chuyển. Walt có khả năng xuất sắc khi thuê những người tài năng hơn mình và kết nối họ với nhau vì một mục đích chung.
Walt hiểu điểm mạnh của họ là gì và không bao giờ chấp nhận sự thiếu ý chí. Ông không bao giờ vội vàng khen ngợi nhưng lại luôn hiểu rõ về những gì ông ấy quan sát được và kỳ vọng.
3. Không ngừng hoàn thiện
Walt tin vào tương lai. Sau khi Snow White đạt được những thành công vang dội thì Cinderella, Alice in Wonderland, Fantasia cũng được người xem đón nhận rất nồng nhiệt. Nhiều người đã cho rằng, đây có lẽ là lúc ông tận hưởng thành quả của mình được rồi. Nhưng không, Walt lại tiếp tục chinh phục vùng đất mới với việc xây dựng một công viên giải trí dành cho các gia đình. Chính là Disneyland.
Kể từ khi Disneyland được mở cửa, Walt luôn có thói quen đi bộ quanh công viên và kiểm tra mọi lối đi, để ý đến từng chi tiết và thăm dò ý kiến của khách hàng. Nếu có sai sót, Walt sẽ trực tiếp chỉnh đốn nó. Với Walt, không có gì là hoàn hảo nhất cả, phải luôn tự hoàn thiện nó tốt hơn nữa.
Xem thêm: 3 tỷ phú công nghệ thành công nhờ tư duy khác biệt
4. Sẵn sàng đón nhận thử thách
Walt đã trải qua rất nhiều thử thách trong sự nghiệp. Rất nhiều lần, Walt đã phải thế chấp và bán tài sản cá nhân của mình. Tuy nhiên Walt luôn cân nhắc một cách kỹ lưỡng mọi mặt và một khi đã đưa ra quyết định, ông không bao giờ dao động.
Năm 1955, Disneyland trở thành một cuộc chơi may rủi nhất trong lịch sử kinh doanh Mỹ. Walt đối mặt với khó khăn tài chính và nhận được rất nhiều sự phản đối của những người xung quanh. Nhưng Walt vẫn tiến bước. Ngày hôm nay, thiên đường giải trí Disney mang về hàng tỷ doanh thu mỗi năm và hàng triệu lượt khách du lịch.
5. Thay đổi thái độ về sự thất bại
Walt đã thất bại rất nhiều. Studio đầu tiên của ông – Laugh O’ Grams chưa hề thu được một đồng nào. Sau sự thất bại của Oswald the Lucky Rabbit. Walt đã mất mọi thứ, studio, công nghệ, những đồng nghiệp và cả sự sáng tạo.
Nhưng ông có từ bỏ không? Không! Sau thất bại lớn, ông vẫn tiếp tục tìm kiếm những điều tuyệt vời mới. Và Mickey Mouse – Cái tên được rất nhiều bạn nhỏ yêu mến đã ra đời ít lâu sau đó.
6. Tin vào chính mình, ngay cả khi mọi người cho rằng bạn điên
Rất nhiều ý tưởng của ông ban đầu đều bị phản đối vì người ta cho rằng nó quá điên rồ, tuy nhiên ông chưa từng để những lời bàn ra đó làm dao động.
Nhiều người cho rằng làm hoạt hình về một con chuột đen thùi là một ý tưởng điên khùng vì chẳng có người phụ nữ nào thích nó cả. Nhưng Walt đã chứng minh điều ngược lại. “Không thể” là từ chỉ dành cho những người không dám thất bại nhưng Walt dám. Walt có niềm tin không lay chuyển được vào chính mình và điều mình đang làm. Và giờ đây, ai lại không yêu mến chú chuột tên là Mickey chứ!
Một giai thoại khác về niềm tin mãnh liệt của Walt Disney: Vào ngày mở cửa Disneyworld, 5 năm sau khi Walt qua đời, có một người đã nói với giám đốc Mike Vance rằng thật đáng tiếc khi Walt không còn sống để chiêm ngưỡng nó. Nhưng Mike Vance đã trả lời rằng “Ông ấy đã thấy nó nên nó mới có ở đây hôm nay!”
7. “Sự đàn hồi” là người bạn thân nhất của một doanh nhân
Phải mất 16 năm thì Walt mới được phép sản xuất Mary Poppins, bộ phim mà đến nay được cân nhắc là một trong những bộ phim hay nhất lúc bấy giờ. Vấn đề mà Walt đối mặt đó là tác giả P.L Travers không mấy nổi tiếng, do đó nhiều người hồ nghi về tính thành công của bộ phim. Phải đến lần thứ 302 thì Walt mới đạt được sự chấp thuận của các hãng phim truyền hình.
Sự đàn hồi là khả năng chịu đựng và phục hồi rất nhanh từ những hoàn cảnh khó khăn. Walt đối mặt với rất nhiều thách thức mà một người bình thường rất dễ từ bỏ. Walt có thể tự nâng mình lên bởi vì ông tin vào bản thân và giấc mơ của chính mình. Chính vì vậy mà Walt đạt được kết quả vượt sức tưởng tượng của rất nhiều người.
Ngày hôm nay những quy luật thành công không có gì khác biệt. Nếu Walt Disney, một người đàn ông lớn lên trong một gia đình nghèo và không được học tập đầy đủ, có thể tạo nên một đế chế giải trí từ con số không, vậy thì điều gì đang ngăn bạn thực hiện giấc mơ của chính mình?
Xem thêm: 5 bài học cực chuẩn từ Steve Jobs